Vì sao khó tìm ra kẻ gọi điện, nhắn tin lừa đảo
Quang Huân (TP HCM) cho biết anh từng là nạn nhân của trò lừa cộng tác viên online hồi đầu năm. Xuất phát từ cuộc gọi giới thiệu tuyển nhân sự, anh tham gia vào đường dây, nạp hàng chục triệu đồng để làm nhiệm vụ, sau đó mất trắng. “Khi gọi lại số điện thoại đã dụ mình để đòi lại tiền, thuê bao đã ở chế độ tắt máy”, anh kể.
Từng suýt bị lừa bởi chiêu “khóa số điện thoại trong hai giờ”, Thu Hà (Hà Nội) nói một phần lý do cô tin tưởng và làm theo vì nghĩ đây là số điện thoại từ một nhà mạng Việt Nam. “Tôi từng mua sim và được yêu cầu gửi ảnh chứng minh nhân dân, chụp ảnh chân dung nên nghĩ nếu lừa đảo thì cũng có thể tìm ra, nên không quá cảnh giác với số điện thoại như vậy”, Hà cho hay.
Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, thông tin được dùng để tạo số điện thoại và lập tài khoản ngân hàng đều là mạo danh. Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết mỗi ngày hệ thống vẫn liên tục nhận được lời cầu cứu từ nạn nhân của các chiêu trò như dụ đầu tư, làm cộng tác viên.
“Hầu hết số điện thoại, tài khoản ngân hàng mà kẻ lừa đảo cung cấp đều là tài khoản rác, sử dụng thông tin giả hoặc được mua lại trên mạng”, ông nói.
Với số tài khoản ngân hàng, kẻ gian không bao giờ sử dụng tài khoản chính chủ. Thay vào đó, chúng mua lại hàng loạt tài khoản ngân hàng, hoặc lập ra từ thông tin đi thuê, mượn. Ví dụ, trên một số chợ đen trên Telegram, các tài khoản ngân hàng có thể được rao bán từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng. Một số đường dây lừa đảo chuyên tìm đến những người nhẹ dạ như sinh viên, người già, để lấy thông tin đi tạo tài khoản ngân hàng, sử dụng cho mục đích lừa đảo.
One Comment